Theme Preview Rss

Thành Cổ Quảng Ngãi

Thành Cổ Quảng Ngãi: Còn gọi tên là Cẩm Thành (thành Gấm) nằm cách Quốc lộ 1A 200m về phía đông, nay thuộc phường Nguyễn Nghiêm - TX Quảng Ngãi (thành Quảng Ngãi trước kia nằm ở làng Phú Nhơn, huyện Bình Sơn - nay thuộc thị trấn Sơn Tịnh). Thành được khởi công xây dựng năm 1807 ở Chánh Mông, huyện Chương Nghĩa (trên địa bàn di tích hiện nay) và đến năm 1815 thì hoàn chỉnh.

Cổ thành Quảng Ngãi kiến trúc theo kiểu vô-băng (vauban) có hình bình đồ vuông, mỗi cạnh trên 500m, tổng diện tích trên 26 ha. Mặt tiền của cổ thành quay về hướng bắc, nhìn ra kinh đô Huế. Thành lấy sông Trà Khúc làm nhược thuỷ, lấy núi Thiên Ấn làm minh đường, hai bên hữu long, tả hổ là núi Ông (Quảng Phú) và núi Đá Đen (Phú Thọ), lấy ngọn Thiên Bút làm hậu chẩm. Thành nằm giữa một vùng thiên nhiên đẹp, tạo nên sự tổng hòa cảnh quan kiến trúc ngoạn mục. 

Thành Cổ Quảng NgãiDấu tích Thành cổ Quảng Ngãi

Thành Quảng Ngãi được xây dựng lần đầu vào năm 1749, thời chúa Nguyễn Phúc Khoát ở phía Bắc cầu Trà Khúc. Khi Gia Long lên ngôi vào năm 1802, thành được dời về xã Phú Đăng, huyện Chương Nghĩa, gần huyện lỵ Tư Nghĩa ngày nay. Năm 1807, thành lại dời ra xã Chánh Mông.

Thời gian xây dựng thành là 8 năm, do các kiến trúc sưp người Pháp thiết kế theo kiểu Vauban. Thành có bình đồ hình vuông, cổng chính hướng về phía Bắc. Ban đầu có 4 cửa, về sau cửa Nam bị lấp lại, chỉ còn 3 cửa. Đáng chú ý là các cửa thành không nằm ở trung điểm của các cạnh mà lệch một bên của “hình vuông trái khế”. Cửa Đông nối cửa Tây bởi trục lộ chính (nay là đường Lê Trung Đình). Điều cũng rất đáng chú ý là thành không hoàn toàn đúng theo hướng chính Đông, chính Tây, chính Nam, chính Bắc, mà có một độ lệch khoảng 15 độ.

Thành cổ Quảng NgãiKhu vực Thành cổ Quảng Ngãi xưa, nay là một con đường rộng và đẹp

Thành có chu vi khoảng 2km, tường thành cao 4m, chung quanh có hào rộng 20m, dẫn nước sông Trà vào thành. Thành được xây bằng đá ong dày 1,6m, bên trong đổ đất ngang để xe ngựa có thể di chuyển được. Trong thành có vọng lâu để quan sát. Cửa thành làm bằng gỗ lim. Trong thành có quan lại, thông ngôn, ký lục, binh lính và gia đình họ ở.

Khu vực nội thành được phân bố qua hai giai đoạn khác nhau. Năm 1885, hành cung được bố trí phía Nam thành, mặt quay về hướng Bắc. Phí trên hành cung có trưởng Đốc, phía dưới có trại lính. Cách con đường từ Tây sang Đông, phía Bắc có dinh án sát, bố chính, đốc học. Bên trái là dinh lãnh binh, thái y viện. Thời kinh 1885-1945, người Pháp thay đổi cách bố trí trong nội thành, duy chỉ có hành cung là còn giữ nguyên. Thái y viện đổi thành bệnh viện, dinh bố chính đổi thành dinh tuần vũ. Dinh lãnh binh được dời sang cạnh dinh đốc học, thay vào đó là sở lục lộ. Đi tiếp về phía Đông là bưu điện, kho lương, trường tiểu học.

Còn theo Quảng Ngãi tỉnh chí xuất bản năm 1933 thì con đường từ cửa Tây sang đông được chia nội  thành làm hai khu vực. Phía Nam có hành cung ở giữa, phía dưới  có toà công sứ, phía trên có trường tiểu học. Xa chút nữa là xưởng lục lộ, sau xưởng có nhà máy điện. Phía Bắc có dinh tuần vũ, bưu điện, dinh án sát. Trên đường ra cửa Bắc có kho lương, bệnh viện, nhà lao. Trong thành có nhiều giếng. Các công sở đều nằm ở trong thành, chỉ có phòng căn cước và phố ngân hàng là nằm bên ngoài.

Thành cổ Quảng NgãiỞ đây trước kia là chân thành cổ

Trước năm 1945, thành Quảng Ngãi được dùng làm trung tâm hành chính của chế độ phong kiến và của Pháp. Năm 1947, thành đã bị phá hủy hoàn toàn. Thành cổ hiện chỉ còn dấu tích nằm phía trước khách sạn Ninh Thọ, thuộc khuôn viên quảng trường tỉnh Quảng Ngãi, cạnh đường Phạm Văn Đồng ngày nay.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét