Theme Preview Rss

Lễ "Khao lề thế lính Hoàng Sa" ở tỉnh Quảng Ngãi

Lễ "Khao lề thế lính Hoàng Sa" ở tỉnh Quảng Ngãi

Ở Lý Sơn, Quảng Ngãi có một lễ hội xứng đáng được nâng tầm thành lễ hội quốc gia bởi tính chất độc đáo không một hòn đảo nào ở Việt Nam có được đó là lễ "Khao lề thế lính Hoàng Sa."

Hằng năm cứ sau những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, các bậc cao niên ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, lại chọn ngày đẹp trời nhất tề tựu về đình làng An Vĩnh - một di tích được xếp hạng quốc gia, kỳ công làm những mô hình thuyền đi biển và các vật dụng cho người đi biển.

Những mô hình thuyền và các vật dụng đi kèm như nồi đồng, nồi đất, lu đựng nước ngọt và các vật dụng tùy thân của mỗi người lính gồm nẹp tre, dây mây, thẻ tre để phục vụ cho lễ “Khao lề thế lính Hoàng Sa.”

Lễ “Khao lề thế lính Hoàng Sa” được tổ chức vào các ngày 18, 19, 20/4 Âm lịch hàng năm, là hoạt động tâm linh của người dân huyện đảo Lý Sơn đã có từ hàng trăm năm trước.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, người đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ về văn hóa biển đảo cho biết lễ  Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tri ân những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa đã ngã mình để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.

Cũng chính vì vậy mà nơi trang trọng nhất trong đình làng An Vĩnh được treo hoành phi, liễn đối “Công đức dựng xây miền đảo lý. Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa” thể hiện tấm lòng tri ân công đức với các bậc tiền nhân và nhằm khắc cốt ghi xương với hậu thế rằng biển đảo là quê hương là máu thịt của mỗi người dân nước Việt.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, ngay từ đầu thời Chúa Nguyễn - cách ngày nay hơn 400 năm, tại vùng cửa biển Sa Kỳ thuộc các xã An Vĩnh, An Kỳ của huyện Sơn Tịnh và An Hải, nay là xã Bình Châu huyện Bình Sơn; và đảo Lý Sơn hàng năm có 70 binh phu được nhà nước tuyển chọn đi Hoàng Sa tìm kiếm hải vật, sản vật để về dâng nộp cho triều đình và tuần phòng trên vùng biển Đông của Tổ quốc.

Đội Hoàng Sa cũng đã hoạt động liên tiếp sang đến thời Tây Sơn, với những cai đội nổi tiếng như Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết.

Sang thời nhà Nguyễn, tức cách đây hơn 200 năm, ngay từ thời Gia Long cũng đã sai Phạm Quang Ảnh làm cai đội Hoàng Sa tuyển chọn các binh phu đi Hoàng Sa và cả Trường Sa đo đạc thủy trình. Nhà Nguyễn cũng đã cho lập các đội thủy quân để cùng với đội Hoàng Sa và đội Quế Hương đi Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc, dựng bia chủ quyền, lập miếu, đo đạc thủy trình, lập bản đồ…

Đặc biệt là vào thời Vua Minh Mạng, với những cai đội, chánh thủy quân suất đội nổi tiếng như Chánh Thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên (1835), Chánh Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật (1836), Chánh Thủy quân suất đội Phạm Văn Biện...

Hoạt động của đội Hoàng Sa, Thủy quân Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (Trường Sa) được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nhà nước phong kiến Việt Nam, từ thời các chúa Nguyễn sang nhà Tây Sơn và cả triều Nguyễn sau này.

Trước khi lên đường thực thi nhiệm vụ dài ngày trên biển, mỗi người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa luôn mang theo bên mình các vật dụng cần thiết trong đó có thẻ bài khắc tên từng người cùng quê hương bản quán và những nẹp tre, dây mây để chẳng may ngã xuống, đồng đội dùng những vật dụng này bó xác thả xuống biển để may mắn được dòng hải lưu đưa thi thể vào bờ.

Lễ “Khao lề thế lính Hoàng Sa” cũng làm cho linh hồn của những người đã hóa thân vào biển cả của quê hương được thanh tịnh, siêu thoát.

Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, tất cả những sự kiện đi Hoàng Sa, những tên tuổi nổi tiếng đã nêu trên đều được ghi trong các bộ chính sử của Nhà nước phong kiến như Đại Nam thực lục, Đại Nam hội điển sự lệ, Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí và có trong cả các bộ sách của các sử gia phong kiến Việt Nam như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn; Hoàng Việt địa dư chí, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú; Việt sử thông giám khảo lược của Nguyễn Thông.

Mới đây nhất dòng họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn đã hiến tặng Nhà nước bản gốc Sắc chỉ của Vua Minh Mạng phái một đội thuyền gồm ba chiếc với 24 lính thủy ra canh giữ đảo Hoàng Sa vào ngày 15/4 năm Minh Mạng thứ 15, tức năm 1834 (Giáp Ngọ).

Là quê hương của đội Hoàng Sa, Thủy quân Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với đội Hoàng Sa, Thủy quân Hoàng Sa như tại vùng biển Sa Kỳ của huyện Sơn Tịnh có Vườn Đồn - nơi tập kết binh phu; miếu Hoàng Sa - nơi tế tự trước khi xuống thuyền.

Tại huyện đảo Lý Sơn có Âm linh tự - nơi phối thờ các binh phu Hoàng Sa cùng các nhà thờ họ Võ - thờ các cai đội Võ Văn Phú và Võ Văn Khiết; nhà thờ họ Phạm Quang - thờ Cai đội Phạm Quang Ảnh; nhà thờ họ Phạm Văn - thờ các Chánh Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật, Phạm Văn Nguyên và Phạm Văn Biện; nhà thờ họ Đặng - nơi lưu trữ báu vật quốc gia trong suốt 175 năm qua và đã hiến tặng cho Nhà nước vào tháng 4/2009, hàng ngàn ngôi mộ gió.

Vừa qua, Khu di tích đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa đã được Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng, tôn tạo và đã được đưa vào sử dụng như Đình làng An Vĩnh - Lý Sơn, nơi binh phu Hoàng Sa tế tự và được thờ phụng; Nhà lưu niệm đội Hoàng Sa và Tượng đài Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

Các ngôi mộ của Phạm Quang Ảnh, Võ Văn Khiết, Nguyễn Quang Tám và Phạm Hữu Nhật cùng miếu Hoàng Sa cũng đã được trùng tu lại.

Tại Lý Sơn cũng như các vùng biển khác trong tỉnh Quảng Ngãi hằng năm còn tổ chức các loại hình văn hóa truyền thống mang đậm sắc thái biển đảo, thu hút hàng vạn người tham dự như lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn, Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức và Đức Phổ; lễ cầu ngư Sa Huỳnh; hội hát sắc bùa; hội bài chòi ở Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa và gần như hầu hết các xã ven biển đều có tổ chức lễ hội tế Cá Ông, hát bả trạo, múa gươm, các trò diễn dân gian như hội Dồi bòng, đua cà kheo./.
Theo Vietnam+

0 nhận xét:

Đăng nhận xét